Dầm là gì là câu hỏi phổ biến của nhiều người khi bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật xây dựng. Hôm nay Xây Dựng Kiến Trúc Vinh sẽ chia sẻ tới bạn đọc khái niệm dầm là gì? Chức năng nhiệm vụ của dầm trong khung kết cấu và phân loại các loại dầm phổ biến hiện nay.
1. Dầm là gì?
Dầm là cấu kiện chịu uốn dạng thanh nằm ngang hoặc nghiêng. Có nhiệm vụ truyền lực từ tường, bản sàn, dầm phụ, mái hay các hoạt tải sử dụng phía trên vào cột. Vì vậy các thanh dầm thường nằm trên đầu cột và liên kết chặt chẽ với tường, sàn và mái.
Dầm đơn giản, chi phí chế tạo thấp nên được sử dụng phổ biến trong kỹ thuật xây dựng. Các kết cấu sàn nhà không dầm như sàn dự ứng lực, sàn bóng, sàn ô cờ…có chi phí chế tạo cao hơn và đòi hỏi kỹ thuật và thiết bị hiện đại hơn. Do vậy ở các ngôi nhà dân dụng thông thường sử dụng dầm sàn bê tông cốt thép là chủ yếu.
2. Phân loại các loại dầm
Hiện nay có rất nhiều khái niệm dầm khác nhau trong xây dựng. Để hiểu rõ hơn cho khái niệm “dầm là gì” ta phân loại dầm theo chức năng và vật liệu như sau.
2.1 Dầm chính và dầm phụ
Dầm chính là dầm truyền lực trực tiếp xuống cột và đi qua đầu cột. Dầm chính có tác dụng chịu lực chính cho ô bản sàn. Có chức năng đỡ sàn và dầm phụ. Vì vậy dầm chính thường có kích thước lớn hơn.
Dầm phụ là dầm gác lên các cấu kiện chịu uốn như dầm chính hoặc dầm phụ khác. Dầm phụ không trực tiếp gác lên đầu cột hoặc các cấu kiện chịu nén. Dầm phụ có tác dụng làm giảm độ võng của sàn và tạo khung kết cấu cứng cáp hơn khi chịu tải trọng cục bộ của tường, cầu thang, ban công hoặc các hoạt tải khác như máy móc, kho chứa…
2.2 Dầm thép và dầm bê tông cốt thép
Dầm bê tông cốt thép là dầm được chế tạo từ cát, đá, xi măng, nước và cốt thép theo một tỉ lệ nhất định để tạo ra cường độ nhất định theo thiết kế. Dầm bê tông cốt thép có hình hình vuông hoặc hình chữ nhật là phổ biến. Cốt thép trong dầm bê tông có tác dụng chống lại lực uốn, lực cắt hoặc xoắn thanh dầm.
Dầm thép là dầm được chế tạo hoàn toàn bằng thép. Liên kết với cột và các cấu kiện khác bằng bu lông hoặc mối hàn. Được sử dụng rộng rãi trong kết cấu nhà tiền chế, nhà xưởng, kho bãi…Hiện nay, đang được sử dụng phổ biến là dầm thép có tiết diện chữ I, chữ [, chữ Z.
2.3 Dầm ngang và dầm dọc
Trong một số trường hợp như là nhà ống, nhà phố hoặc nhà có chiều dài lớn hơn nhiều lần chiều rộng. Phương ngang nhà tức phương theo chiều rộng là phương chịu lực chính. Vì vậy một số người vẫn quan điểm dầm theo phương ngang là dầm chính.
Chính vì vậy, dầm ngang là dầm theo chiều rộng (cạnh ngắn) của ngôi nhà. Dầm dọc là dầm theo phương cạnh dài.
2.4 Dầm bo là gì?
Dầm bo là dầm để bo một cái gì đó đúng theo tên gọi của nó như: dầm bo sàn, dầm bo tường vây…dầm bo liên kết các cấu kiện thành một chu vi khép kín.
- Dầm bo tường vây: liên kết các tấm tường vây với nhau, phân bố lực đều vào các tấm tường.
- Dầm bo sàn để tăng độ cứng cho sàn.
- Dầm bo thường chỉ chịu tải trọng kéo nén, ít khi chịu uốn.
Dầm bo được hiểu nôm na như cái rổ, cái chậu nhựa, ở vành chậu vành rổ có một cái vành nhựa để tăng độ cứng cho chậu, rổ.
3. Lời kết
Hi vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu khái niệm dầm là gì, chức năng nhiệm vụ của dầm trong kết cấu kỹ thuật xây dựng. Cùng với phân biệt được các loại dầm phổ biến trong xây dựng. Các bạn có nhu cầu về tư vấn thiết kế và thi công xây dựng đảm bảo kỹ thuật. Hãy liên hệ với chúng tôi nhé!